Không còn sự lựa chọn, phải dùng nước ô nhiễm

Mặc dù sinh sống chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km và cách đường ống nước sạch sông Đà có 1,2 km, nhưng hàng nghìn người dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội) đang phải lấy nước ao tù ô nhiễm làm nước sinh hoạt. Dẫu ý thức được rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khôn lường, nhưng họ chẳng còn lựa chọn nào khác!


Người dân vô tư giặt giũ, trút bẩn xuống nguồn nước sinh hoạt… 

Một vòng luẩn quẩn

Nếu ví Ngọc Than là đất của những cột và dây thì cũng chẳng ngoa. Đi suốt những con đường làng đâu đâu cũng thấy những bối dây dợ chằng chịt vít cong những cột điện. Ở Hà Nội, cột điện cõng dây điện dây cáp, còn ở mảnh đất này, cột lại “cõng nước”.

Những cột những dây ấy đều có một đích đến là cái Ao Sen của làng. Đã sáu năm nay, chẳng biết vì lý do gì, mạch nước ngầm của thôn bất ngờ cạn kiệt. Vậy nên, hơn một nửa số dân Ngọc Than, với khoảng 4.000 nhân khẩu đang phải sống nhờ vào nguồn nước ao này.

Để ao “sống” được, ngoài nguồn nước tự nhiên, người dân phải dẫn nước từ ruộng, mương trong khu vực đổ vào dù biết chắc đây là nguồn nước bị ô nhiễm do rửa bình thuốc sâu. Chưa hết, khu công nghiệp 72 ha cách đó mấy cây số cũng xả nước thải không được xử lý ra đồng, chảy vào kênh Đồng Mô, một phần chảy vào kênh N18, rồi lại lộn trở về Ao Sen.

Cả chục họng cống từ các trại chăn nuôi của mấy hộ dân sát bờ ao cũng tuôn xuống chất thải, xác động vật chết… Người dân Ngọc Than biết rõ là đang tự “đầu độc” nguồn nước của mình, nhưng họ vẫn phải chấp nhận.

Ngày nắng thì hít thở mùi nước tanh hôi, ngày mưa thì mặt ao nổi nênh nào rác, nào túi ni-lông. Đêm hay ngày, nắng hay mưa, những đường ống vẫn cần mẫn hút nước ao đặc quánh ô nhiễm ấy đi ngoằn ngoèo trong làng về từng mái nhà, để rồi hiện hữu trong bữa ăn, chén nước uống của người dân.

Tìm trưởng thôn Nguyễn Bá Hưng, ông nói gần như khóc: “Tình hình căng lắm rồi! Mỗi ngày Ao Sen phải tiếp nhận hàng trăm lượt người ra giặt giũ, tắm rửa. Cái dây dẫn nước ao nó bé tí, hay tắc, phải thông liên tục. Nó không đủ cung cấp nước cho tắm và giặt nên bà con cứ ra ao mà làm bẩn thêm nước dùng của mình”.

Xem thêm:   Đào tạo Ăn mòn và bảo vệ kim loại trong cộng nghiệp dầu khí

Người dân không thể thiếu nước sinh hoạt. Vậy thì làm gì có sự lựa chọn nào khác, cho dù biết rằng, những giọt nước hôm nay để giữ sự sống thực chất lại đang nuôi một mối nguy hại khôn lường về sức khỏe.


… rồi lạt hút nước bẩn về sử dụng.

Nỗi đau Ngọc Than

Ngày 29-5, làng Ngọc Than có hai đám tang cùng lúc. Hai anh em người xấu số là ông Đỗ Duy Đống và Đỗ Duy Quyến, đều chết vì cùng một lý do bởi “thằng ung thư dưới ao”(?!). Người làng chỉ đích danh vậy với chúng tôi.

Bà Đỗ Thị Thoa, Phó trạm trưởng Y tế xã Ngọc Mỹ, con của thôn Ngọc Than tâm sự trong xót xa: “Người dân ai cũng biết dùng nước bẩn thì sẽ dễ mắc bệnh, hiểm họa khó lường, nhưng đành phó mặc mạng sống chỉ để ngày hôm nay có nước dùng. Họ đâu còn được quyền nghĩ đến ngày mai…”.

Bà mang sổ thống kê, chỉ bốn tháng đầu năm 2014, đã có gần 30 người mất, hơn chục người bệnh đang gắng gỏi chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Nước cũng chính là nguyên nhân cái chết của anh Thức, 34 tuổi (con ông Nguyễn Văn Hải). Nhà anh ở xóm Trại Mới, nơi cách khá xa Ao Sen nên không thể dẫn nước về.

Bí nước, anh Thức cùng một số hộ dân đến xã Ngô Sài cầu cứu. Tại đó, họ được đồng ý cho dẫn nước sạch (nguồn nước từ thị trấn Quốc Oai) về dùng. Do dây dẫn nước nhỏ, không thể chôn xuống đất, anh Thức đành bắc thang treo dây lên cột điện. Một giây bất cẩn, bước hụt thang, thảm họa ụp xuống gia đình anh.

Có người kể lại, trong điếu văn của trưởng thôn Hưng đọc tại đám tang, có đoạn “… vì ở xa Ao Sen… nên anh Thức chết…”. Sau đám tang anh, không ai dám dẫn nước Ngô Sài nữa. Những cuộn dây dẫn vẫn còn thắt lại trên cột điện, dân xóm Trại Mới lại về gánh nước Ao Sen.

Xem thêm:   Hiện tượng thời tiết El Nino có thể tái diễn vào cuối năm nay

Để hiểu thêm câu chuyện của Ngọc Than, tôi đã dành nhiều thời gian lân la tìm hiểu đời sống bà con. Có ông thấy tôi ghi chép, hỏi: “Anh là người của bên cấp nước à -Biến!”. Một anh người làng nói đỡ: “Không, là nhà báo về tìm hiểu”.

Ông kia mặt đỏ gay, chỉ tay: “Cũng biến! Viết và hứa mãi rồi mà có nước đâu!”. Ông Trưởng thôn Hưng quay sang tôi chép miệng: Rõ khổ, người dân uất lên thế vì những lời hứa giải quyết cùng với “ông nước” cứ một đi không trở lại.

Trách nhiệm vẫn… treo

Trước nỗi khốn khổ mang tên “nước” của người dân Ngọc Than, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và những đơn vị cấp nước. Chính quyền xã cũng chỉ biết phản ánh nỗi lòng, hiện trạng của bà con lên cấp trên rồi… chờ đợi.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ chia sẻ: “lãnh đạo xã cũng khổ tâm khi chứng kiến cảnh người dân phải dùng nước ô nhiễm.

Nhưng chúng tôi cũng đã mệt mỏi vì nhiều lần kiến nghị, họp, xin ý kiến mà vẫn phải chờ đợi vô vọng. Phải chăng, các cơ quan được giao trách nhiệm đã không nhận định hết khó khăn của người dân?”.

Đã đành chuyện chờ nguồn cấp nước không thuộc thẩm quyền của xã, nhưng việc bảo đảm nguồn nước ở Ao Sen không bị ô nhiễm hơn thuộc vào trách nhiệm và thẩm quyền của chính quyền địa phương cũng chưa được giải quyết rốt ráo và thấu đáo.

Trước câu hỏi vì sao vẫn để ba hộ làm trang trại ngay cạnh ao mà không dùng biện pháp hạn chế ô nhiễm Ao Sen, ông Trường nói: “Trước đây nước sinh hoạt cả làng xả thải xuống, nay chúng tôi đã cho dẫn ra đồng. Còn người dân có ý thức đâu, họ vẫn tự xả thải xuống ao. Nếu không để cho ông Thục thầu ao, thả cá thì ai dọn rác?”. Câu trả lời của ông Trường nghe ra thật vô cảm và cũng vô trách nhiệm.

Điều đáng nói, câu chuyện khát nước sạch ở xã Ngọc Mỹ được chính quyền thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết từ tháng 4-2013. UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các sở, ngành liên quan và huyện Quốc Oai kiểm tra, giải quyết những kiến nghị của bà con.

Xem thêm:   Mái nhà có khả năng "hút" chất ô nhiễm

Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, xã Ngọc Mỹ tiến hành điều tra, xác minh, đánh giá thực trạng bức xúc nước sinh hoạt tại Ngọc Mỹ.

Sau rất nhiều cuộc họp, hội nghị, bàn thảo, khá nhanh chóng, sau hai tháng UBND thành phố Hà Nội có Văn bản 4057/UBND-NNNT ngày 6-6-2014, giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Quốc Oai khẩn trương nghiên cứu nội dung đề xuất của Sở NN&PTNT, thống nhất đề xuất hướng giải quyết.

Quyết liệt hơn, thành phố tiếp tục có Văn bản 4723/UBND-KH&ĐT ngày 2-7-2013, đưa ra thời hạn 10 tháng, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội phải hoàn thành xong dự án cung cấp nước sạch cho xã Ngọc Mỹ. Công ty này cũng sẽ được nhận cơ chế hỗ trợ thông qua hỗ trợ lãi suất trong vay vốn đầu tư cho dự án này. Từ đó đến nay, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã về làm việc với UBND xã Ngọc Mỹ hai lần, nhưng rồi một năm trôi qua, dự án vẫn nằm… trên giấy.

Liên hệ với lãnh đạo công ty, ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết, dự án đang “kẹt” vốn bởi thiếu quy định chi tiết về mức độ, cơ chế hỗ trợ lãi suất. Theo vị đại diện này, công ty đã lập xong kế hoạch đầu tư, báo cáo thành phố và đang chờ ý kiến.

Lại chờ ý kiến! Văn bản thì đã có đến cả “rừng”, nhưng thực thi vẫn là con số 0! Còn những người dân Ngọc Mỹ, dù nơm nớp âu lo, thì vẫn phải ngày ngày chấp nhận sử dụng nguồn nước bẩn hiện tại. Họ, dường như đã cạn niềm hy vọng, cũng chẳng biết bao giờ dự án cùng dòng nước sạch mới chịu “mọc” trên khoảnh đất đã được chuẩn bị. Câu trả lời, tiếc thay, đến giờ vẫn đang bị treo đó!

Theo Nguyễn Văn Học (Nhân Dân)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *